khuyến mãi lazada

Di ảnh liệt sĩ

Liệt sĩ: Đinh Văn Thắng
Ngày sinh: 2/2/1954
Quê quán: Yên BÁi Thôn Cổ Dương - Tiên Dương Đô...
Đơn vị: KB HT 8100- 42-H5- K7
Hy sinh: K24 - Lò Gò tỉnh Tây Ninh

Tìm kiếm

Đăng nhập

Nói về chiếc ống tay áo còn lại trong di cốt của liệt sĩ Ngô Trí Khoa

(16/01/2013 11:32:39 AM) Chẳng hiểu sao khi đọc thư của liệt sĩ Khoa, tôi cứ bị ám ảnh và cứ thầm mong, gia đình sẽ tìm được chú. Niềm tin đó, sự hy vọng đó rất ít khi xuất hiện trong tôi nhưng tôi cứ tin một người tài hoa và tình cảm như chú, một người có khao khát sống và cống hiến mãnh liệt như chú sẽ tìm được đường về với mẹ.

Khi tôi ngồi viết lại câu chuyện này thì liệt sĩ Ngô Trí Khoa đã có mộ phần trang nghiêm tại NTLS huyện nhà tại tỉnh Nghệ An.

Câu chuyện giữa tôi và liệt sĩ bắt đầu từ việc tìm liệt sĩ của người em trai là anh Ngô Trí Hà. Cũng giống như các gia đình liệt sĩ khác, tôi không hề biết mặt thân nhân của họ mà chỉ biết nhau qua giọng nói. Anh gọi điện cho tôi và có nói về trường hợp của anh trai mình – liệt sĩ Ngô Trí Khoa. Công việc ấy ngày nào cũng vậy nên tôi tuân thủ nguyên tắc hướng dẫn cho em trai liệt sĩ những việc cần làm từ giấy báo tử đến tìm hồ sơ gốc và tìm đồng đội. Trên cơ sổ MARIN đã có dữ liệu về nơi hy sinh và trường hợp hy sinh.

Tôi chỉ hơi bất ngờ vì chú này là lính của trung đoàn 271 nhưng không hiểu sao gần đến ngày giải phóng chú lại hy sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Hỏi CCB của trung đoàn tôi mới biết thêm thông tin có 02 trung đoàn 271. Trung đoàn 271 của chú Võ Minh  - tác gải cuốn Có một thời như thế là trung đoàn 271 của miền Đông Nam Bộ, còn trung đoàn này là 271B chiến đấu vùng quâ khu 4.

Trò chuyện nhiều lần qua lại, anh Ngô Trí Hà – em trai liệt sĩ có cho tôi biết thêm, chú Khoa viết rất nhiều thư về gia đình, có những bức thư rất tình cảm và thể hiện được chí khí của thanh niên ngày đó và đó là những câu chuyện của người anh trai liệt sĩ mang tới niềm tự hào cho các em chú ấy. Tôi ngỏ ý muốn xin để làm tư liệu cho MARIN. Thật bất ngờ khi anh Hà đã gửi chuyển phát nhanh toàn bộ 05 lá thư của liệt sĩ ( bản gốc) ra tặng cho MARIN. Xúc động hơn nữa là trên trang giấy cũ, một phần là lá thư của liệt sĩ  Ngô Trí Khoa đề ngày. Và phần còn lại là của anh Ngô Trí Hà viết cho MARIN.

Lời thư của anh thật xúc động, qua đó tôi mới biết thêm gia cảnh của gia đình liệt sĩ và hiểu được tình cảm sâu sắc mà anh Hà dành cho anh trai của mình – liệt sĩ Ngô Trí Khoa.

Tôi đọc 1 lúc 5 bức thư, nước mắt cứ trào ra và nghẹn đắng. Thấy thương vô cùng người thanh niên ấy. Người thanh niên của xứ Nghệ, mang theo hoài bão và hình bóng một người con gái ra chiến trận.

16,5 tuổi tuổi ăn tuổi ngủ nhưng người thanh niên ấy đã phải hành quân vào nơi chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, vẫn  phải chắc tay sung ngày đêm vì giặc Mỹ vẫn độc ác quá, máu đồng đội vẫn chảy ngày đêm.

Nét chữ của chú đẹp, thẳng thắn, tư duy mạch lạc rõ ràng vượt qua cái tuổi 17, 18 đơn thuần. Chú có một khát khao cháy bỏng, mong cho hòa bình để: “ Khi mô được giải phóng, cậu cho con ra Hà Nội để con nhìn tòa nhà cao tầng như mô và xe điện ngầm”.

Thế rồi chú bị thương và mất.

Bao nhiêu năm qua, người em út chưa từng biết mặt anh trai và sinh ra sau hòa bình, cha mẹ già gần 90 tuổi vẫn ngày ngày ngóng tin con. Họ đi tìm chú nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày. Rồi họ hy vọng khi liên hệ với MARIN.

Chẳng hiểu sao khi đọc thư của liệt sĩ Khoa, tôi cứ bị ám ảnh và cứ thầm mong, gia đình sẽ tìm được chú. Niềm tin đó, sự hy vọng đó rất ít khi xuất hiện trong tôi nhưng tôi cứ tin một người tài hoa và tình cảm như chú, một người có khao khát sống và cống hiến mãnh liệt như chú sẽ tìm được đường về với mẹ.

Tôi chưa hề biết mặt anh Hà, em trai liệt sĩ nhưng cũng không hiểu sao tôi cứ lo lắng cho họ. Khi họ nói sẽ vào Huế, tôi đã ngỏ lời muốn giúp, có thể là nhờ bạn bè tôi ở Huế giúp hoặc chí ít ra cũng mượn giúp xem máy cho anh Hà vào khu vực liệt sĩ  hy sinh cho đỡ vất vả và tốn kém nhưng anh Hà chỉ cần tôi tư vấn và giữ liên lạc với anh.

Rồi ngày họ tìm được liệt sĩ Khoa, tất cả anh em họ rơi vào trạng thái hoảng loạn vì vừa vui mừng vừa hoang mang. Thân xác của người thanh niên ấy không còn dấu hiệu gì, không mảnh xương, không sợi tóc chỉ còn lại di vật duy nhất để nhận ra đó là anh trai của họ: mảng tay áo mẹ may làm áo gối cho anh trước khi anh lên đường. Mảnh ống tay áo  với đường khâu vụng về ngoằn ngoèo.

Chỉ đến khi tiếp xúc với gia đình, mắt nhìn thấy, tay chạm vào di vật còn lại của người chiến sĩ ấy tôi mới tin câu chuyện trên, câu chuyện di vật còn lại là mảnh tay áo của người mẹ. Tôi vẫn băn khoăn tự hỏi thân xác chú ấy bị phân hủy theo thời gian nhưng sao cái ống tay áo ấy, đường chỉ ấy vẫn còn được nhỉ?

Nhớ vài năm trước khi tôi đi quy tập tại Quảng Trị, thân xác các chú ấy cũng chẳng còn gì chỉ còn lại những tấm tăng, dây dù và những chiếc cúc áo.

Tất cả chỉ là cát bụi và hư vô. Chỉ còn lại tình người!

 

Cha mẹ liệt sĩ Ngô Trí Khoa đã ngoài 90 tuổi hiện đang sống tại quê nhà

Cha mẹ liệt sĩ Ngô Trí Khoa đã ngoài 90 tuổi đã rất vui mừng khi liệt sĩ trở về quê hương


 

 



Ngô Thị Thúy Hằng



Ngô Trí Hà | ngotriha171@gmail.com (22:56:05 16-01-2013)

chào em Thúy Hằng, cảm ơn em đã hằng ngày, hằng đêm đọc thư và chia sẽ cảm xúc với liệt sỹ Ngô Trí Khoa. Anh vẫn nhớ như in ngay từ khi anh kết nối thông tin được với em, những ngày đó dù đêm hay ngày, sáng hay chiều tối khi điện thoại với em để được tư vấn thì anh đều nhẹ nhàng ghi lại những lời tư vấn, những lời hỏi thăm của em, cho đến sau này khi công việc có kết quả tốt đẹp anh vẫn thường mở băng ghi âm để nghe lại và cho các chú Châu, Chú Chinh, Chú Long nghe. mọi người đều nói em tư vấn quá kiên quyết " một là anh phải liên hệ với BCHQS Tỉnh nghệ an sao lục hồ sơ gốc của liệt sỹ, hai là phải có giấy xác nhận của đồng đội cùng tham gia chiến đấu với liệt sỹ, khi nào làm xong 2 cái đó thì gọi lại cho em !" lời nói đầy trách nhiệm, thể hiện đúng một chuyên gia tư vấn. Chỉ 2 việc đó mà anh cũng làm hết hơn một tháng đó. Hằng ạ! em viết về bác Khoa là chính xác có sức thuyết phục và trung thực đó. Anh cảm phục em và sẵn sàng cung cấp mọi thông tin mà anh có. Nhân dịp này anh gửi tặng em mấy bức hình của một số thành viên trong gia đình. mọi người thì em đã gặp, riêng chị Ngân vợ anh Hà và anh Hà là em chưa gặp mà thôi. chúc em khỏe, gặp nhiều may mắn, thành công.
Ngô Trí Hà | ngotriha171@gmail.com (21:25:02 16-01-2013)

khi tôi sinh ra 1962 đến nay là 51 tuổi đã 37 năm tôi và gia đình đi tìm phần mộ liệt sỹ của anh tôi Ngô Trí Khoa từ năm 1975 vậy mà gia đình tôi chưa từng được may mắn như ngày hôm nay đó là gặp được chị Ngô Thị Thúy Hằng một con người vóc dáng nhỏ, thamh mảnh, nhưng tinh thần và nghị lực làm việc thì phi thường, trách nhiệm cao. hiểu biết rộng, chuyên môn vững chắc, tinh thông trong các mối quan hệ, có thể nói Hằng là một mẫu người đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay, năng động sáng tạo. chúng ta nên học tập. Cảm ơn Hằng đã đọc những bức thư của liệt sỹ Ngô Trí Khoa và đã làm sống lại hình ảnh của liệt sỹ anh dũng xông pha nơi trận mạc, lòng yêu mẹ, yêu quê hương, yêu Tổ Quốc , chiến đấu anh dũng và biết chiến thắng kẻ thù của người chiến sỹ trên chiến trường. Chính em làm sáng ngời hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến trường kỳ đánh Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Em đã làm cho liệt sỹ mỉm cười nơi suối vàng, tuy thân thể lầm lủi nơi chiến trận và hiện nay đang yên nghỉ nơi nghĩa trang trên quê hương nhưng giá trị tinh thần về đức hy sinh cho Tổ Quốc thì vần được vinh danh và trường tồn mãi mãi với non sông, với nòi giống tổ tiên và góp phần làm rạng danh trang sử vàng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cảm ơn em đã thức thâu đêm để đọc thư và tri ân liệt sỹ. em và trung tâm MARIN luôn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình liệt sỹ. Chúc em và trung tâm năm mới 2013 luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, đưa nhiều niềm vui đến cho hàng vạn gia đình liệt sỹ.

Ý kiến của bạn





Nội dung:* (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)