khuyến mãi lazada

Di ảnh liệt sĩ

Liệt sĩ: Đặng Văn Hữu
Ngày sinh: 1953
Quê quán: Xã Nam Phúc - huyện Nam Ninh tỉnh Nam Hà c...
Đơn vị: KB
Hy sinh: Mặt trận phía Nam

Tìm kiếm

Đăng nhập

Khánh "voi"

(25/06/2012 05:19:03 AM) Tôi chui vào hầm, chợp mắt một lúc. Bỗng một tiếng nổ vang phía cửa hầm. Minh "Già"kêu thất thanh :'Khánh chết rồi ".Giật mình nhìn ra, một cảnh tượng thật hãi hùng. Khánh "Voi" đang từ từ ngồi xuống, lưng tựa vách hào, đôi tay buông xuôi. Cái đầu nó bay đâu mất. Phía trên cổ, giữa một mớ xương vụn, máu ồng ộc tuôn ra ngập một đoạn hào. Trên vai Khánh, một mảng da đầu còn nguyên tóc vắt ngang, như khoác một chiếc khăn nửa đen nửa đỏ


Đầu tháng 12 năm 1971  hai tiểu đoàn sinh viên 5, 6 chia nhỏ bổ sung về các quân binh chủng . Còn lại một số anh em chưa vể đâu phấp phỏng chờ đợi, đoán già, đoán non  đơn vị mình sẽ  được điều về. Trong cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn  Thạc ngày 6-12 có ghi lại thời điểm đó. Hắn chê tôi sợ vào hỏa lực trợ chiến phải mang vác nặng gù lưng. Hắn chê tôi sợ chết muốn vào binh chủng tăng thiết giáp vì có vỏ thép  dày che chở.

           Ôi, sợ chết âu cũng là lẽ thường tình của những thằng lính  trẻ 18 đôi mươi chúng tôi, chửa biết cái chi chi, chết  thì tiếc lắm. Song, cả tôi và hắn đều nhầm. Sau này, tôi nhận ra có thứ còn đáng sợ hơn cái chết. Đó là sự đầy đoạ về thân  xác                                                                 .
            Người ta thường nói, " ghét của nào  trời trao của ấy". Cuối cùng tôi lại được điều về tiểu đội 12 ly 7, đại đội 12 trợ chiến  thuộc trung đoàn 101 sư đòan bộ binh 325. Một tiểu đội 12,7 ly biên chế từ 10 đến 12 người. Trừ A trưởng mang kính ngắm và một khẩu AK, còn lại chia thành 3 tổ có nhiệm vụ mang ba phần chính của súng . Tổ 1 mang thân súng nặng 33 kg và một thùng đạn khoảng 10 kg. Tổ 2 mang chân súng nặng 34 kg và một thùng đạn. Tổ 3 mang bệ súng nặng khoảng 21 kg  một hộp  tiếp đạn và một thùng đạn cũng nặng chừng  ấy.

       Khi hành quân, thân và chân súng được hai cặp khiêng bằng hai chiếc đòn tre dài nặng chình trịch. Bệ súng hình thù kỳ dị đầy góc cạnh được  một người  vác. Những cạnh sắc như băm từng thớ thịt. Hơn ba chục cân có vẻ không quá nặng. Nhưng xin thưa, hành quân cả ngày trời dưới  cái nắng miền Trung, cộng với tư trang khoảng 30 cân nữa thì lừa cũng phải chào thua.

      Khi khiêng súng, người đi sau còn đỡ chứ người  đằng trước thật khốn khổ. Sức nặng của balo và súng phía sau cứ  kéo ngửa người ra. Trèo đèo lội suối, rồi trong rừng rậm, súng móc bên này mắc bên kia tiến cũng chẳng được mà  lùi cũng không xong. 

      Hồi còn đi học, ngoài cái tên bố mẹ đặt cho,  tôi còn mang thêm biệt danh các bạn tặng  làcòm”vì  cân nặng cả bì chỉ có hơn 40 kg. Khiêng súng bị  phồng, rồi loét,   hai vai,  mãi không lành. Mỗi lần hành quân mang vác, đối với tôi không khác gì hành xác                                              .
        Đêm ấy,  bên cánh  rừng ở Cự Nẫm Quảng Bình,  nhận quân trang đi B balo hơn 40 cân, tôi  phải đẩy lên ngôi mộ hoang, luồn hai vai vào  hai quai  mới gượng đứng lên được. Vậy mà lại đến phiên khiêng súng. Cố gắng bước dược chừng 50 chục mét thì ngã chúi  xuống, nửa quì nửa ngồi, tôi ôm mặt khóc. 

       Y tá  Cận  chạy lại,  mở túi  thuốc lấy ra một vốc vitamin B1 bảo tôi uống. Nghi ngờ về khả  năng tăng lực của nắm B1 ấy, song tôi cũng tống đại vào mồn nhai trệu trạo. Thực tình lúc ấy tôi chỉ muốn chết quách đi cho rồi . Họặc giả có một quả pháo biển lạc vào giải thoát cho tôi thì âu cũng là số phận.                                            .          
         May thay trong tổ  tôi còn có Khánh "Voi". Trong số các anh em quê Phủ Cừ,  Hải Hưng, Khánh "Voi" nổi bật vì dáng cao to như cây chuối hột trong vườn toàn chuối tiêu.  Nghe nói nhà hắn nghèo lắm, ăn uống kham khổ, vậy mà hắn lại có một thân hình khá lý tưởng. Cao trên  một mét bẩy lăm. Bắp thịt săn chắc.  Đôi vai gấu hơi xuôi, hai hàm răng trắng đều, nước da sáng hơn că lũ bạch diện thư sinh chúng tôi. Hắn ghé vai đỡ tôi dậy, rút chiếc đòn khiêng ra quẳng sang một bên, đặt thân súng nặng như cùm lên vai lầm  lũi bước tiếp. Tôi vớ lấy chiếc đòn khiêng cố bám theo.

        Cuộc hành quân 5 ngày không thể nào quên, từ tây Quảng Bình theo dãy Trường Sơn qua giới tuyến 17 vào Quảng Trị  tham chiến. Lính rơi rớt dọc đường. Không còn ra đội hình gì nữa,  các đơn vị trộn lẫn vào nhau. Tiểu đội tôi đến nơi tập kết đầy đủ, có lẽ nhờ một phần bởi Khánh "Voi”                                             

      Sau trận đầu, đêm 23 ngày 24 tháng tám năm 1972 , tiểu đội bị thiệt hại nặng nề, thương vong non một nửa, tạm bị trưng dụng làm lính vận tải. Làm gì  cũng được, miễn là không phải khiêng súng. Nhưng tôi lại nhầm. Gọi là vận tải cho oai chứ thực ra là  gùi gạo, đạn. Mấy chục cân trên vai chẳng khác gì khiêng 12ly7.

         Trên một cung đường chừng 4, 5 cây số trống trải, phải luôn vận động thật nhanh qua những tọa độ chết người của pháo bầy và máy bay cường kích. Vô phúc dính B52 thì coi như chấm  hết. Vậy mà với Khánh "Voi" dường như chẳng hề hấn gì. Bao giờ hắn cũng về trước tôi cả tiếng đồng hồ, chui tọt vào hầm không ra ngoài. "Trên mặt đất không có lợi" , hắn bảo tôi thế. Biết vậy mà đành vậy."Trên mặt đất không có lợi"...   Một tuần sau, tiểu đội lại nhận khẩu súng khác, chế tạo tại Liên Xô, nòng xoắn, tản nhiệt tốt hơn, nhưng cũng nặng hơn khẩu trước khoảng chục ký.  Ngay đêm ấy lại  vào chốt. Tâm trạng mọi người khá nặng nề. Nõi ám ảnh trận trước không thể  bỗng chốc mà quên ngay được.

       Tiểu đội chốt trong một vườn chuối nhỏ  lá xác xơ. Giũa vườn hiện lờ mờ một ngôi nhà, thực ra là phế tích của một ngôi nhà tan hoang. Phía trước là một bụi tre rách bươm. Nghe đâu trước bụi tre là lính đại đội 9 bộ binh. Chúng tôi vội vàng đào hầm trú ẩn, công sự pháo và một đoạn hào chừng 4 mét  nối hầm trú ẩn với hầm pháo. Gần sáng công việc cũng tạm xong. Trong khung cảnh chết chóc  như vậy, mà vẫn thấy một tiếng gà lạc lõng, cô đơn, gáy yếu ớt báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

        A trưởng Thành phân công người đứng cảnh giới dưới hào cách hầm trú ẩn khoảng một mét, còn lại tạm nghỉ.  Rồi cũng đến phiên tôi đứng gác. Trận địa hai bên thật yên tĩnh. Tôi nghe rõ cả tiếng con chim sâu bay chúi vào bụi cây trước mặt. Thì ra nó bị mù từ bao giờ. Chừng một tiếng sau, Khánh"Voi" đổi gác.  Đôi vai gấu của nó cố nghiêng, lách ngườì cho vừa đoạn hào vừa hẹp vừa nông.

        Tôi chui vào hầm, chợp mắt một lúc. Bỗng một tiếng  nổ vang phía cửa hầm. Minh "Già"kêu thất thanh :'Khánh chết rồi ".Giật mình nhìn ra, một cảnh tượng thật hãi hùng. Khánh "Voi" đang từ từ ngồi xuống, lưng tựa vách hào, đôi tay buông xuôi. Cái đầu nó bay đâu mất. Phía trên cổ, giữa  một mớ xương vụn,  máu ồng ộc tuôn ra ngập một đoạn hào. Trên vai Khánh, một mảng da đầu còn nguyên tóc  vắt ngang, như  khoác một chiếc khăn nửa đen nửa đỏ                                                 .                                                                      
       Cả tiểu đội chết lặng. Mặt Minh "Già"  thường ngày vốn đen thế, mà lúc đó trắng bệch, đôi mắt thất thần. Sau ít phút trấn tĩnh, tôi quyết  định ra ngòai. Để tránh vũng máu, tôi nắm hai cổ chân Khánh, làm động tác như  đu xà kép  dướn người nhoài ra . Bên mép hào, một hố  vát hình nón vừa  bị khoét còn vương vài mảnh gang vụn. Cối 81, Khánh chết vì một quả đạn cối của địch bắn vu vơ. Phía đối diện, một tấm gỗ ép dựng bên gốc chuối bê bết máu và óc. Giá mà Khánh thấp hơn một chút, giá  mà Khánh đổi gác chậm hơn một chút thì cái thằng đang ngồi kia chính là tôi.
       Mãi đến khuya mới có hai lính vận tải tiểu đoàn đến mang Khánh đi.Trăng thượng tuần tháng cô hồn trút  ánh sáng vàng vọt xuống vườn chuối. Trên ngực Khánh, nắp chiếc bút máy Pilot mạ vàng, mới nhặt được hôm qua, “để viết thư”, hắn nói thế, cứ lấp lánh thứ ánh sáng ma quái.

       Nhiều năm sau, ánh sáng ma quái ấy cứ ám ảnh tôi trong những đêm mất ngủ vì bệnh tật. Hình ảnh Khánh "Voi" với đôi vai gấu lại chập chờn hiện về. Giá mà hắn thấp hơn một chút, giá  mà hắn đổi gác chậm một chút. "Ở trên mặt đất không có lợi". Biết vậy mà đành vậy                     .                                                    .                       

 

Liệt sĩ: Lê Trung Khánh

Sinh năm: 1953, quê:  Phan Sào Nam, Phù Cừ, Hải Hưng

Hy sinh ngày: 08/09/1972 tại  Bích Khê, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị

Mộ phần của liệt sĩ Lê Trung Khánh cùng 03 liệt sĩ khác của E 101, F 325 sau đó bị trúng bom. Xương cốt các anh tan vào cát bụi.

 

Nguyễn Như Thìn



Nguyễn Thị Hiền | alice.nguyen@vatusys.com.vn (15:24:58 28-08-2012)

Mong các anh siêu thoát!
Hoàng Thông | tkt_hoang-pl@yahoo.com.vn (22:27:05 15-07-2012)

Thằng giặc Mỹ dã man quá! Đạn bom của chúng nó giết các chú tới 2 lần.Cầu mong cho linh hồn chú và 3 đồng đội của E 101, F 325 được siêu thoát!

Ý kiến của bạn





Nội dung:* (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)