Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Nhớ Trần Quang Long(07/05/2012 13:31:17 PM)![]() Những ngày ở Huế, Sài Gòn...
Lúc ấy chúng tôi hướng về miền Bắc, hướng về Hà Nội với biết bao hi vọng... Chúng tôi đã quen nhau và đấu tranh trong bối cảnh đó. Ngồi bó gối bên nhau, mải miết nhìn dòng sông Hương chảy dịu dàng trong đêm tối cô tịch, chúng tôi nhớ đến bạn bè, những nam nữ sinh viên học sinh Huế đang tiếp tục bị tù tội, đàn áp. Bỗng có một vị sư trẻ đến ngồi cạnh Long và tôi, nói nhỏ nhẹ bằng một giọng Huế khá nặng: “Hai anh là sinh viên ở mô mà lên cõi đây lánh nạn?”...
Một lúc lâu, sau một phút ngần ngại, vị sư nọ chậm rãi thì thầm nói cho chúng tôi nghe về phong trào đấu tranh của nhân dân các thành thị miền Nam cùng với Huế nổi lên chống lại chế độ Ngô Đình Diệm, về phong trào đấu tranh của nông dân ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng miền Trung và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức yêu nước nổi tiếng làm chủ tịch.
Và ngay rạng sáng đêm hôm ấy mặc dù thành phố còn giới nghiêm, Long và tôi vẫn liều lĩnh vượt cầu Bạch Hổ về lại khu Trường đại học Y khoa, Đại học Sư phạm, Trường Đồng Khánh, Quốc Học, tiếp tục cùng bạn bè chuẩn bị các cuộc xuống đường, hội thảo với một sinh lực mới...
Thấy tôi, Long mừng rỡ ôm chầm lấy. Không bao giờ tôi quên buổi sáng mai hôm ấy... Hình ảnh của một Trần Quang Long chí tình với bè bạn, say sưa với phong trào đấu tranh, không chịu khuất phục, luôn luôn lạc quan tiến về phía trước...
Trong không khí sôi sục của Sài Gòn những năm 1966, 1967, Long đã sáng tác Thưa mẹ, trái tim..., một bài thơ có sức lay động dữ dội mà sinh viên học sinh Sài Gòn cũng như ở các thành thị miền Nam đã trích một số câu để sử dụng như là khẩu hiệu hành động, thúc giục sinh viên học sinh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại mà tiến lên... Tập thơ Tiếng hát những người đi tới ra đời trong bối cảnh đó mà người đã đem hết tâm sức ra để làm nên tập thơ này chính là Trần Quang Long. Tập thơ đã trở thành người bạn đường của sinh viên học sinh Sài Gòn trong những ngày đấu tranh quyết liệt trên đường phố, trong giảng đường, trường học, trong những đêm không ngủ bên ánh lửa bập bùng...
Những ngày cuối cùng ở chiến khu
Đầu năm 1968, trong khói lửa mịt mù của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, tôi rời Sài Gòn để tham gia Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN. Tôi mừng rỡ ôm chầm lấy hai anh, cảm giác lẻ loi trong những ngày đầu ở chiến khu không còn nữa. Biết hoàn cảnh Long và Luật nên tôi càng cảm phục hai anh. Riêng hoàn cảnh Trần Quang Long càng thương hơn. Anh ra đi trong lúc vợ anh, chị Quỳnh Như, đang mang thai cháu Xuân Thắng. Đêm đầu tiên nằm kề nhau trên cánh võng, Long đã nói hết cho tôi nghe những đấu tranh, dằn vặt, đau đớn của anh khi phải rời xa người vợ yêu thương đang mang thai đứa con đầu lòng để ra đi mà không biết bao giờ sẽ trở về... Như là một định mệnh, Long đã có những câu thơ như báo trước số phận của mình:
Ta đi không kịp ẵm con thơ
Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Long gạt bỏ mọi nỗi buồn, lao vào cuộc sống ở chiến khu như một chiến sĩ. Anh lấy bí danh là B40, tên của một loại vũ khí chống tăng có sức xuyên phá rất hiệu quả của quân giải phóng. Chắc hẳn thơ anh giờ đây không chỉ là chông “xuyên gan lũ giặc”, không chỉ là kiếm sắc “chặt đầu văn nghệ tay sai” mà còn dữ dội như khẩu B40 có sức công phá phi thường. Quả bom 500kg của máy bay phản lực F105 của Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của Long và Luật, đào thành một hố sâu hoắm, chỉ cách căn hầm tôi núp 15m. Trần Quang Long, Trần Triệu Luật đã hi sinh như thế đó... Tôi viết những dòng hồi ức này về những chặng đường đã qua của Trần Quang Long như là một nén hương tưởng nhớ đến anh, đến Trần Triệu Luật và biết bao bạn bè, người thân trong phong trào học sinh sinh viên đã nằm xuống mãi mãi vì lý tưởng công bằng xã hội, vì một miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đã 36 năm ngày Long, Luật hi sinh (11-10-1968 - 11-10-2004), đã gần 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất một nhà, khoảng thời gian dài của nửa đời người nhưng mỗi chúng ta đã làm được gì? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi mãi và những gì mà anh và biết bao người đã ngã xuống để lại cho đời, cho đất nước này luôn nhắc nhở chúng ta, những người còn sống sót sau những năm tháng chiến tranh, không thể vô ơn, quên lãng nỗi khát khao cháy bỏng của biết bao thế hệ tuổi trẻ VN về một xã hội công bằng, một xã hội mà “Đến con trâu cũng nghé ngọ yêu người” (thơ Thiết Sử - Thư gửi các bạn sinh viên), về một đất nước VN thật sự độc lập - tự do - hạnh phúc. Hãy nghĩ đến họ mỗi khi thấy lòng ta bắt đầu nguội lạnh, thờ ơ trước cảnh các em bé gầy còm tranh nhau kiếm sống trên các bãi rác ở ngoại ô thành phố mỗi lúc hoàng hôn xuống. Hãy nhớ đến họ mỗi khi chúng ta cơ hồ xuôi tay, bất lực trước những bất công xã hội, trước những tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí... Hãy cùng nhau tiếp tục đi theo con đường mà cả một thời trai trẻ chúng ta đã chọn lựa... Tháng 10-2004 LÊ HIẾU ĐẰNG (Trích trong tập Trần Quang Long - cuộc đời và tác phẩm - NXB Thuận Hóa - 2005)
Theo báo Tuổi trẻ
|