Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Đường tới quê nhà của những kỷ vật chiến tranh(24/06/2014 06:56:16 AM)![]() Những di vật “kể chuyện” Trong hành trang dự án “Những linh hồn phiêu bạt” của hai nhà khoa học Australia - tiến sĩ Bob Hall và thạc sĩ Derril De Herr - mang đến Việt Nam lần này có rất nhiều di vật của những người lính Việt Nam. Những hiện vật không biết nói, nhưng đằng sau đó là bao câu chuyện cảm động về những người chiến sĩ Việt Nam. Một trong những di vật ấn tượng của bộ sưu tập là những bức ký họa Long Tân. Câu chuyện được “kể” thế này. Ngày 18-8-1966, bộ đội Việt Nam và một đại đội lính Australia đối đầu tại đồn điền cao-su Long Tân, gần Núi Đất 2 tỉnh Phước Tuy (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau trận chiến khốc liệt, phía ta rút quân. Lúc thu dọn chiến trường, một sĩ quan Australia đã phát hiện các bức ký họa thể hiện cuộc sống của một người lính Việt Nam hy sinh tại đây. Năm 2012, ông đã tặng lại Dự án với hy vọng kỷ vật sẽ trở về với người thân của liệt sĩ ở Việt Nam. Tiến sĩ Bob Hall kể lại, ông đã có mặt trong chiến tranh Việt Nam 12 tháng. Một số trong nhiều di vật sưu tầm được để lại trong ông nhiều suy nghĩ là chiếc nhẫn và tấm ảnh người mẹ. Chiếc nhẫn là tài sản của một chiến sĩ Việt Nam hy sinh ngày 9-12-1970 tại địa bàn làng Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Phước Tuy cũ (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau trận đánh, binh lính Australia tìm được chiếc nhẫn vàng và một số tài liệu bên người lính. Chiếc nhẫn được quân đội Australia giữ lại hàng chục năm qua và bây giờ mong muốn trả lại phía Việt Nam. Còn đây là chuyện về bức chân dung một người mẹ. Năm 1968-1969, G.W.Dennis, cố vấn người Australia hoạt động tại tỉnh Quảng Ngãi, nhớ lúc đó đang ở trong một ngôi làng bị tấn công. Phát hiện một ngôi nhà bị cháy, ông thấy một khung ảnh vỡ với chân dung một phụ nữ, có vài chữ ghi ở mặt sau. Cho rằng đó là tấm ảnh gia truyền, ông cất giữ tấm ảnh trước khi nó bị lửa thiêu rụi. Mang bức ảnh về nước, Dennis đã nghĩ rất nhiều về bức chân dung này và hy vọng có thể trả lại cho gia đình của người trong ảnh ở Việt Nam. Các kỷ vật ý nghĩa khác còn là 93 lá thư tìm thấy tại tỉnh Bình Định, rất nhiều trong số đó của các chiến sĩ thuộc một đơn vị quân y của Việt Nam đóng tại địa phương này. Tiến sĩ Bob Hall nhận định: “Có thể lá thư do một liên lạc viên giữ và anh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nếu đúng vậy, nhiều người viết thư có thể vẫn còn sống. Việc trả lại các bức thư thời chiến cho các cựu chiến binh Việt Nam sẽ rất có ý nghĩa.” Các hiện vật trên thuộc Dự án nghiên cứu “Những linh hồn phiêu bạt” của Trung tâm nghiên cứu Xung đột vũ trang và Xã hội của Đại học New South Wales (Australia), chi nhánh Canberra khởi xướng từ năm 2010 với bốn tác giả: TS Bob Hall, TS Andrew Ross, TS Amy Griffin và ThS Derril De Herr. Các nhà khoa học nước bạn muốn chuyển cho phía Việt Nam những thông tin họ đang lưu giữ liên quan đến danh tính, địa điểm chôn cất các chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trong các cuộc đụng độ với quân đội Australia và New Zealand trong chiến tranh ởViệt Nam. Những người thực hiện chương trình cũng muốn trao tới thân nhân các liệt sĩ những di vật cá nhân theo tinh thần Công ước Geneva. Hành trình trở lại quê hương Tiến sĩ Bob Hall cho biết, dự án “Những linh hồn phiêu bạt” đã cung cấp cho phía Việt Nam thông tin của từng trận đánh có sự tham gia của quân đội Australia hoặc New Zealand, cung cấp vị trí chôn cất của hơn 3.700 liệt sĩ Việt Nam. Các thành viên của dự án cũng đã giúp tìm thấy vị trí chôn cất của 500 liệt sĩ với độ chính xác từ 100 đến 150m. Với sự hợp tác của các đối tác và cá nhân tại Việt Nam như Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin), nhóm nghiên cứu của dự án đã xác định được danh tính một số liệt sĩ và thân nhân của họ, đồng thời trao lại các kỷ vật. Được biết, trong chuyến đi này, các cựu chiến binh Australia cũng tới trao tặng các bức thư cho cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ tại Quy Nhơn, Bình Định. Trong số các tác giả của 10 bức thư này, một số vẫn còn sống, số khác đã hy sinh. Chân dung người mẹ đã được xác định là mẹ Phan Thị Diễn, ở Quảng Nam, có con trai hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng. Cũng trong khuôn khổ hợp tác, từ năm 2010, các cựu chiến binh Australia đã cung cấp cho Marin tọa độ và số lượng chiến sĩ Việt Nam được phía bạn chôn. Dựa trên thông tin này, Marin đã khớp nối thông tin và tìm ra danh tính của gần 200 liệt sĩ và đang thực hiện báo thông tin cho thân nhân của họ này tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Marin, cho rằng, gần 40 năm đã trôi qua, lương tâm của nhiều cựu chiến binh phía đối phương tham chiến ở Việt Nam vẫn còn nhiều day dứt, trăn trở. Họ muốn làm những công việc để có thể cùng xoa dịu nỗi đau chiến tranh. * Bộ sưu tập “Những linh hồn phiêu bạt” gồm các tài liệu, hiện vật như các lá thư ở chiến trường Bình Định, Phước Tuy cũ (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Long Khánh; 40 bức phác họa bút chì thu thập tại chiến trường Long Tân (họa sĩ của các bức phác họa có thể thuộc trung đoàn 275; 19 tác phẩm nghệ thuật vẽ bằng mực và màu nước tìm thấy tại Phước Tuy; một tấm ảnh của bà mẹ Phan Thị Diễn, 59 tuổi ở Quảng Ngãi có kèm lịch sử gia đình ghi ở mặt sau tấm ảnh; một chiếc nhẫn của nười chiến sĩ có tên gọi Nguyễn Văn Sang thuộc K9, D440/C3, tiểu đoàn D445; bức ảnh một chiến sĩ quân y hy sinh ngày 12-8-1968 tại tỉnh Phước Tuy cũ (tức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Điều đặc biệt là trong ngày 29-7, với sự kết nối của Marin, các cựu chiến binh Australia đã tìm được người thân của liệt sĩ - chiến sĩ quân y - trong di ảnh của dự án. Tấm ảnh di vật đã được trao tận tay gia đình liệt sĩ Ngô Quý Toản (hay Ngô Ngọc Mười), hy sinh năm 1968 tại chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu. Họ cũng đồng thời cung cấp tọa độ nơi liệt sĩ Toản hy sinh.
Theo báo Nhân dân
|