Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Nhiều bất cập trong chính sách hỗ trợ thân nhân tự tìm kiếm và thăm viếng mộ liệt sĩ(19/04/2014 18:44:33 PM)![]()
Nỗi lòng của các thân nhân
Đã hơn 10 năm nay, gia đình ông Phạm Văn Giáp, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân lặn lội khắp các nghĩa trang liệt sĩ tại phía Nam để đi tìm mộ anh ruột là liệt sĩ Phạm Văn Gia (sinh năm 1940), có giấy báo tử hy sinh tại mặt trận phía Nam vào năm 1974. Đã nhiều lần gia đình đi tìm nơi yên nghỉ của anh mình nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông Gia bức xúc: “Chúng tôi không mong muốn được hỗ trợ toàn bộ kinh phí khi tự đi tìm mộ liệt sĩ, thế nhưng, Nhà nước cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Bởi, cùng chiến đấu và hy sinh như nhau, nhưng những hài cốt được đưa vào nghĩa trang khi đi thăm mộ thì được đài thọ tiền tàu xe, ăn ở, còn những thân nhân liệt sĩ (TNLS) như chúng tôi, vì chưa tìm được hài cốt nên không được Nhà nước hỗ trợ một đồng kinh phí nào... Cũng là hy sinh cho Tổ quốc, sao lại có sự phân biệt và quy định cứng nhắc như vậy?”.
Tương tự, gia đình chị Lê Thị Hà, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa cũng đã lặn lội gần hai chục năm tìm mộ cho bác ruột là liệt sĩ Lê Đình Kỷ (sinh năm 1940), có giấy báo tử hy sinh tại Bạc Liêu năm 1974. Chị Hà băn khoăn: “Quy định, TNLS tự đi tìm mộ không được hưởng chế độ như những TNLS có con em đã yên nghỉ trong nghĩa trang là chưa phù hợp. Theo tôi, lẽ ra những trường hợp như vậy phải được ưu tiên hơn”.
May mắn hơn các gia đình TNLS nói trên, gia đình ông Lê Doãn Hòa, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, đã tìm thấy mộ của anh trai ruột là liệt sĩ Lê Doãn Thắng, có giấy báo tử hy sinh năm 1967 tại Nha Trang. Sau hơn 30 năm lặn lội hết các tỉnh phía Nam để tìm kiếm, đến tháng 10-2011, phần mộ của liệt sĩ Lê Doãn Thắng được tìm thấy tại khu vườn của một gia đình tại tỉnh Khánh Hòa. Sau khi hoàn thiện hết các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và có giấy xác nhận của cơ quan quản lý nghĩa trang nơi an táng mộ liệt sĩ, gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang huyện Hoằng Hóa. Anh Hà - cháu ruột của liệt sĩ, cho biết: “Tìm thấy mộ của bác tôi gia đình rất mừng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ của Nhà nước còn quá ít ỏi, tính tổng tất cả tiền di chuyển, tiền tàu xe, tiền ăn uống, gia đình tôi được hỗ trợ hơn 2 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ riêng việc bỏ tiền thuê một chuyến xe di chuyển hài cốt về quê, chúng tôi đã phải chi phí gần 7 triệu đồng. Thêm nữa, thủ tục thanh toán còn quá rườm rà, để lĩnh được số tiền nói trên, gia đình tôi đã phải chờ vài tháng mới được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hôi (LĐTB&XH) huyện chi trả”...
Những bất cập cần điều chỉnh
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Minh, Phó trưởng Phòng Người có công, Sở LĐTB&XH tỉnh, cho biết: “Tại Điều 3, Chương II, Nghị định 16 (ngày 26-1-2007) của Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của từng cơ quan, đơn vị, của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương... Theo đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo việc tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng hải đảo, biên giới, miền núi; hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn; đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ... “Như vậy, trách nhiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt mộ liệt sĩ thuộc về Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Còn đối với những thân nhân đi tìm hài cốt liệt sĩ đang nằm ngoài nghĩa trang hoặc thân nhân có liệt sĩ nằm trong nghĩa trang nhưng chưa tìm ra tên tuổi thì không được hưởng chế độ gì, điều này dẫn đến những bức xúc của các TNLS. Trước thực tế đó, ông Minh kiến nghị: Nên chăng, các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung chính sách cho phù hợp, tạo điều kiện để những TNLS chưa tìm thấy hài cốt, có nguyện vọng đi đến các nghĩa trang liệt sĩ hoặc trở lại những chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sĩ được hỗ trợ một phần kinh phí, giúp họ giảm bớt khó khăn.
Tại Thông tư liên tịch số 01/2008 của liên Bộ LĐTB& XH, Tài chính “Hướng dẫn thủ tục và mức hỗ trợ TNLS đi thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ” quy định: đối tượng thăm, viếng, di chuyển mộ liệt sĩ được hỗ trợ bao gồm: Cha mẹ, vợ (chồng), con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, anh, chị, em ruột của liệt sĩ (gọi chung là TNLS), người được TNLS ủy quyền (có xác nhận của UBND cấp xã). Quy định như trên rất “cứng nhắc”, nên đưa thêm đối tượng cháu ruột vào trong danh mục được Nhà nước hỗ trợ.
Cũng theo thông tư này, căn cứ vào giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở LĐTB&XH hoặc giấy xác nhận mộ của cơ quan quản lý nghĩa trang nơi an táng mộ liệt sĩ và đề nghị đi thăm viếng mộ của TNLS có xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú, Phòng Nội vụ - LĐTB&XH nơi TNLS cư trú cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ... Cơ quan LĐTB&XH nơi TNLS cư trú hỗ trợ tiền đi lại theo mức giá vé của phương tiện vận tải công cộng (vé ô tô, tàu ngồi) từ nơi TNLS cư trú đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ; cơ quan LĐTB&XH nơi TNLS đến thăm viếng hỗ trợ tiền đi lại theo mức giá vé của phương tiện vận tải công cộng (vé ô tô, tàu ngồi) từ nghĩa trang nơi an táng liệt sĩ về nơi cư trú... Tuy nhiên, thực tế khi đi thăm viếng nếu xuất phát từ nơi TNLS cư trú đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ thì còn có vé để thanh toán, còn di chuyển từ nghĩa trang nơi an táng liệt sĩ về nơi cư trú, thông thường họ phải đi bằng taxi hoặc xe ôm, những phương tiện này không có vé nên không được thanh toán, điều này gây thiệt thòi cho TNLS.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 01 cũng quy định: mức hỗ trợ tiền ăn là 50.000 đồng/ngày/người. Thời gian hỗ trợ theo khoảng cách từ nơi TNLS cư trú đến địa phương nơi có mộ liệt sĩ, cụ thể: Dưới 500 km, được hỗ trợ không quá 3 ngày; dưới 1.000 km, hỗ trợ không quá 5 ngày; dưới 1.500 km, hỗ trợ không quá 7 ngày; dưới 2.000 km, không quá 9 ngày và từ 2.000 km trở lên mức hỗ trợ không quá 11 ngày... Mức hỗ trợ như trên không còn phù hợp với thời kỳ bão giá như hiện nay, vì vậy, Nhà nước cần nâng mức hỗ cho phù hợp. Thêm nữa, trong Thông tư liên tịch số 01 cũng cần có quy định thời gian cụ thể về việc chi trả tiền hỗ trợ di chuyển hài cốt cho các TNLS tránh việc chi trả quá chậm. Bởi trên thực tế, nhiều gia đình liệt sĩ đã phải bỏ chi phí khá lớn để đi tìm mộ, nhưng đến khi hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ họ lại mất thêm một thời gian chờ đợi khá dài mới được nhận tiền hỗ trợ...
Đối với các gia đình liệt sĩ, không có sự bù đắp nào là đủ và đền đáp được sự hy sinh của con em họ cho đất nước. Chính vì thế, dù Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã làm nhiều việc nhưng vẫn là chưa đủ. Bởi vậy, cần điều chỉnh sớm những bất hợp lý trong chính sách, phần nào đáp ứng nguyện vọng chính đáng của gia đình thân nhân các liệt sĩ. Đây chính là cách chúng ta tri ân công lao và những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo báo Thanh Hóa (http://baothanhhoa.vn/vn/xa-hoi/n99874/Nhieu-bat-cap-trong-chinh-sach-ho-tro-than-nhan-tu-tim-kiem-va-tham-vieng-mo-liet-si)
|