Chuyên đềTìm kiếmTin mi
|
Nhớ về Anh(18/09/2013 07:13:18 AM)![]() Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2013), các báo, đài đưa tin về sự kiện cuốn nhật ký bị lưu lạc 45 năm đã tìm được người thân, đó là liệt sỹ Lưu Mạnh Hùng - người anh cả trong gia đình tôi. Anh nhập ngũ năm 1965, khi đó tôi mới 9 tuổi. Tuy ký ức về anh không nhiều, nhưng tất cả đều rất ấn tuợng. Có một lần, đơn vị của anh trên đường hành quân dã ngoại, dừng chân tại huyện An Lão cách nhà (thị xã Kiến An) khoảng 10 km. Được đơn vị cho phép về thăm nhà, anh chạy một mạch về, trời lạnh mà áo anh đẫm mồ hôi. Bố mẹ ngỡ ngàng đón anh ở cửa, anh tôi sừng sững đứng giữa trời đông gió rét, nở nụ cuời hạnh phúc trong vòng tay gia đình. Biết anh chỉ ở nhà được vài tiếng, cả nhà xôn xao trò chuyện với anh, ai cũng muốn được nhìn anh lâu hơn, hỏi chuyện anh nhiều hơn. Mẹ tôi gạt nuớc mắt, lặng lẽ nấu mâm cơm khuya cho đứa con trai vừa về, lại sắp phải ra đi, chẳng biết đến khi nào mới có ngày hạnh ngộ. Anh từ tốn trả lời từng câu hỏi của bố và các em, động viên mọi nguời tin tuởng ở tuơng lai, rồi anh ôm tôi vào lòng, hỏi tôi về kết quả học tập, dặn tôi phải cố gắng học giỏi, biết vâng lời cha mẹ. Ăn cơm xong thì cũng đã khuya, trời khá lạnh, mẹ tôi bảo anh nghỉ trên giường, mẹ sẽ thức để gọi anh dậy, kịp về đơn vị, anh nói đơn vị chỉ cho phép đến 05 giờ sáng là phải có mặt để tiếp tục hành quân, sau đó anh lấy chiếu trải xuống nền nhà, cởi trần và chỉ dùng một chiếc chăn mỏng đắp ngang bụng để không bị ngủ quên. Sáng hôm sau, tôi ngủ dậy thì anh đã đi từ lúc nào, hỏi mẹ thì được biết anh đã thức dậy khoảng 04 giờ sáng và tiếp tục chạy về đơn vị để kịp hành quân. Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng gia đình tôi gặp anh…
Sự trở về của cuốn nhật ký không chỉ là niềm vui vô hạn với gia đình liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng mà còn là sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2013).
Cuối năm 1968, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của anh kèm theo một số hiện vật của liệt sỹ như balô, quần, áo, đồng hồ, bút…cùng một lá thư của đồng đội anh kể về cuộc chiến đấu ác liệt giữa đơn vị anh với máy bay Mỹ trong trận chiến bảo vệ phà Long Đại - nút giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường Miền Nam. Anh đã chiến đấu rất dũng cảm, bị thương rồi hy sinh. Uỷ ban hành chính địa phương đã tổ chức truy điệu anh rất trang trọng theo nghi thức thời bấy giờ. Năm 1972, nhà tôi bị trúng bom Mỹ, mọi vật dụng (trong đó có cả các di vật của anh) đều không còn… Theo sơ đồ mộ chí gửi kèm hồ sơ liệt sĩ thì anh tôi được chôn cất tại thôn Kim Nại, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, được một người mẹ tên là Sệu chăm lo, nhưng khi quy tập về nghĩa trang ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, do không được đánh số cẩn thận nên không xác định rõ ngôi mộ nào, gia đình đã nhiều lần vào Quảng Bình để tìm kiếm mộ anh nhưng chưa có kết quả. Mấy chục năm qua, ngày giỗ anh, mọi người trong gia đình chỉ còn nhắc đến anh trong những kỷ niệm từ ký ức…cho đến ngày 22/7/2013 vừa qua, cả gia đình tôi bỗng vỡ oà cảm xúc khi nhận được kỷ vật vô giá là cuốn sổ của anh, ai cũng nghĩ rằng Anh đã trở về…phải chăng, đó là dấu hiệu ban đầu để tìm ra và xác định chính xác phần mộ của anh. Gia đình tôi hy vọng rằng, các đồng đội của anh và những người dân Quảng Bình nơi anh sống, chiến đấu và hy sinh, nếu có thông tin gì về anh thì hãy tiếp tục lên tiếng. Xin cám ơn thầy giáo Lý Quang Nhân, số nhà 11, Nguyễn Văn Cừ (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) người đã dày công gìn giữ, bảo quản và trao lại kỷ vật; cám ơn Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN), ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc, bà Ngô Thị Thúy Hằng - phó giám đốc cùng các cộng sự đã giúp gia đình tôi nhận lại được kỷ vật quý báu này./. Lưu Quốc Thắng (em trai liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng)
|